Sóng Elliott là gì?
Sóng Elliott là một lý thuyết (hoặc nguyên tắc) mà các nhà đầu tư và trader có thể áp dụng trong việc phân tích kỹ thuật. Nguyên tắc này dựa trên ý tưởng rằng thị trường tài chính có xu hướng tuân theo các mô hình cụ thể, bất kể trong khung thời gian nào.
Về cơ bản, lý thuyết sóng Elliott (EWT) cho rằng các chuyển động thị trường tuân theo một chuỗi chu kỳ tự nhiên của tâm lý đám đông. Các mô hình được tạo ra theo cảm tính thị trường hiện tại, luân phiên giữa giảm giá và tăng giá.
Nguyên tắc sóng Elliott do Ralph Nelson Elliott – một kế toán và tác giả người Mỹ tạo ra vào những năm 30. Tuy nhiên, lý thuyết này chỉ trở nên phổ biến vào những năm 70 nhờ nỗ lực của Robert R. Prechter và AJ Frost.
Ban đầu, EWT được gọi là "Nguyên tắc sóng" dùng để mô tả hành vi của con người. Sáng tạo của Elliott dựa trên nghiên cứu sâu rộng của ông về dữ liệu thị trường, tập trung vào thị trường chứng khoán. Nghiên cứu mang tính hệ thống của ông chứa đựng những thông tin có giá trị trong ít nhất 75 năm.
Là một công cụ phân tích kỹ thuật, EWT hiện dùng để xác định các chu kỳ và xu hướng của thị trường, đồng thời công cụ này còn có thể được áp dụng trên nhiều thị trường tài chính. Tuy nhiên, sóng Elliott không phải là một chỉ báo hoặc kỹ thuật giao dịch. Thay vào đó, đây là một lý thuyết có thể giúp dự đoán hành vi thị trường.
Mô hình sóng Elliott cơ bản
Thông thường, có thể nhận dạng mô hình sóng Elliott cơ bản bằng mô hình tám sóng, trong đó năm sóng vận động (di chuyển cùng chiều với xu hướng chính) và ba sóng điều chỉnh (di chuyển theo hướng ngược lại).
Vì vậy, một chu kỳ sóng Elliott hoàn chỉnh khi thị trường tăng giá sẽ có dạng như sau:
Lưu ý rằng, trong ví dụ đầu tiên, chúng ta có năm sóng vận động: ba sóng hướng lên (1, 3 và 5), cùng với hai sóng hướng xuống (A và C). Nói một cách đơn giản, bất kỳ chuyển động nào cùng chiều với xu hướng chính đều có thể được coi là sóng vận động. Điều này đồng nghĩa 2, 4 và B là ba sóng điều chỉnh.
Nhưng theo Elliott, thị trường tài chính tạo ra các mô hình có tính phân dạng. Vì vậy, nếu chúng ta thu nhỏ đến khung thời gian dài hơn, chuyển động từ 1 đến 5 cũng có thể được coi là sóng vận động (i), còn chuyển động A-B-C có khả năng đang thể hiện một sóng điều chỉnh (ii).
Ngoài ra, nếu chúng ta phóng to đến khung thời gian ngắn hơn, một sóng vận động (như sóng 3) có thể được chia thành năm sóng nhỏ hơn, như minh họa trong phần tiếp theo.
Ngược lại, chu kỳ của sóng Elliott khi thị trường giảm giá sẽ có dạng như sau:
Sóng vận động
Theo định nghĩa của Prechter, sóng vận động luôn di chuyển cùng chiều với xu hướng lớn hơn.
Như chúng ta vừa thấy, Elliott đã mô tả hai dạng phát triển của sóng: sóng vận động và sóng điều chỉnh. Ví dụ trước liên quan đến năm sóng vận động và ba sóng điều chỉnh. Nhưng nếu chúng ta phóng to, một sóng vận động sẽ có cấu trúc gồm năm sóng nhỏ hơn. Elliott gọi đó là Mô hình 5 sóng và ông đã tạo ra ba quy tắc để mô tả sự hình thành của mô hình này:
- Sóng 2 không thể hồi quy về hơn 100% so với chuyển động của sóng 1 trước đó.
- Sóng 4 không thể hồi quy về hơn 100% so với chuyển động của sóng 3 trước đó.
- Trong số các sóng 1, 3 và 5, sóng 3 không thể là sóng ngắn nhất và thường là sóng dài nhất. Ngoài ra, sóng 3 luôn di chuyển qua điểm thấp nhất của sóng 1.
Sóng điều chỉnh
Không như sóng vận động, sóng điều chỉnh thường có cấu trúc ba sóng. Loại sóng này thường được hình thành từ một sóng điều chỉnh nhỏ hơn di chuyển giữa hai sóng vận động lớn hơn. Ba sóng thường được đặt tên là A, B và C.
Khi so sánh với sóng vận động, sóng điều chỉnh có xu hướng nhỏ hơn vì chúng di chuyển ngược lại xu hướng lớn hơn. Trong một số trường hợp, tính chất đi ngược lại xu hướng như vậy cũng có thể khiến các sóng điều chỉnh khó xác định hơn nhiều vì chúng có thể thay đổi đáng kể về độ dài và độ phức tạp.
Theo Prechter, quy tắc quan trọng nhất cần ghi nhớ liên quan đến sóng điều chỉnh là chúng không bao giờ được tạo thành từ năm sóng.
Cách hoạt động của sóng Elliott
Có một cuộc tranh luận đang diễn ra liên quan đến hiệu quả của sóng Elliott. Một số người cho rằng tỷ lệ thành công của nguyên tắc sóng Elliott phụ thuộc nhiều vào khả năng của trader trong việc phân chia chính xác các chuyển động của thị trường thành các xu hướng và hướng điều chỉnh.
Trên thực tế, các sóng có thể được vẽ theo nhiều cách mà không nhất thiết phải phá vỡ các quy tắc của Elliot. Điều này đồng nghĩa việc vẽ sóng chính xác không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Không chỉ bởi vì phải có kinh nghiệm thực hành, mà còn do mức độ chủ quan cao.
Do đó, các nhà phê bình cho rằng Lý thuyết sóng Elliott không phải là một lý thuyết hợp pháp do tính chất chủ quan cao và dựa trên một bộ quy tắc được xác định lỏng lẻo. Tuy nhiên, vẫn có hàng nghìn nhà đầu tư và trader thành công đã áp dụng các nguyên tắc của Elliott để giành được lợi nhuận.
Điều thú vị là ngày càng có nhiều trader kết hợp Lý thuyết sóng Elliott với các chỉ báo kỹ thuật để tăng tỷ lệ thành công và giảm rủi ro. Các chỉ báo Hồi quy Fibonacci và Fibonacci mở rộng có lẽ là những ví dụ phổ biến nhất.
Tổng kết
Theo Prechter, Elliott chưa bao giờ thực sự suy đoán lý do thị trường có xu hướng xuất hiện cấu trúc sóng 5-3. Thay vào đó, ông chỉ phân tích dữ liệu thị trường và đưa ra kết luận này. Về cơ bản, nguyên tắc của Elliott chỉ là kết quả của các chu kỳ thị trường không thể tránh khỏi do bản chất con người và tâm lý đám đông tạo ra.
Tuy nhiên, như đã đề cập, sóng Elliott không phải là một chỉ báo TA, mà là một lý thuyết. Như vậy, không có cách nào để áp dụng chính xác vì lý thuyết vốn mang tính chủ quan. Việc dự đoán chính xác các chuyển động của thị trường bằng EWT đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng vì các trader cần tìm ra cách vẽ số lượng sóng. Điều này đồng nghĩa việc sử dụng lý thuyết này có thể ẩn chứa rủi ro – đặc biệt là đối với người mới bắt đầu.