Hỗ trợ (Support) và Kháng cự (Resistance) là một công cụ mạnh mẽ trong giao dịch và hầu hết các chiến lược đều sử dụng phân tích Hỗ trợ/Kháng cự dù ít hay nhiều. Các vùng Hỗ trợ và Kháng cự thường xuất hiện xung quanh các khu vực quan trọng mà giá thường xuyên tiếp cận rồi sau đó đảo chiều. Bài viết này sẽ giải thích Hỗ trợ và Kháng cự là gì và giới thiệu các chiến lược giao dịch Hỗ trợ và Kháng cự phổ biến.
HỖ TRỢ VÀ KHÁNG CỰ LÀ GÌ?
Hỗ trợ và Kháng cự là một trong những trường phái phân tích kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường tài chính. Đó là một phương pháp đơn giản để giúp phân tích biểu đồ một cách nhanh chóng nhằm xác định ba yếu tố quan trọng:
- Hướng đi của thị trường
- Thời điểm vào lệnh
- Thời điểm đóng lệnh bất kể lãi/lỗ
Nếu một trader có thể trả lời ba câu hỏi trên, thì về cơ bản họ đã có một ý tưởng giao dịch. Việc xác định các mức Hỗ trợ và Kháng cự trên biểu đồ có thể giúp trả lời những câu hỏi đó.
Hỗ trợ
Hỗ trợ là một khu vực trên biểu đồ mà giá giảm xuống nhưng không thể/rất vất vả để vượt qua. Biểu đồ trên cho thấy cách giá giảm xuống vùng Hỗ trợ và sau đó “bật lại” mạnh mẽ.
Về lý thuyết, hỗ trợ là mức giá mà tại đó nhu cầu (sức mua) đủ mạnh để ngăn giá tiếp tục giảm. Cơ sở lý luận đằng sau đó là khi giá ngày càng tiến gần đến vùng Hỗ trợ và trở nên “rẻ” hơn, phe mua sẽ nhận thấy “món hời” và có nhiều khả năng ra quyết định mua. Phe bán không muốn bán ra nữa, vì họ sẽ coi đó là một mức giá tệ hơn so với trước đó. Trong kịch bản này, cầu (người mua) sẽ vượt qua cung (người bán) và điều đó sẽ ngăn giá giảm xuống dưới vùng Hỗ trợ.
Kháng cự
Kháng cự là một khu vực trên biểu đồ mà giá tăng lên nhưng không thể/rất vất vả để vượt qua. Biểu đồ trên cho thấy cách giá tăng lên đến vùng kháng cự và sau đó “bật lại” mạnh mẽ.
Về lý thuyết, Kháng cự là mức giá mà tại đó lực cung (sức bán) đủ mạnh để ngăn giá tiếp tục tăng. Lý do đằng sau điều này là khi giá ngày càng tiến gần đến mức Kháng cự và trở nên “đắt” hơn, phe bán sẽ muốn bán ra ở vùng giá cao này, trong khi phe mua sẽ coi đó là một mức giá tồi tệ để mua vào. Trong kịch bản đó, cung (người bán) sẽ vượt qua cầu (người mua) và điều đó sẽ ngăn giá vượt qua ngưỡng Kháng cự.