Hợp đồng tương lai ứng dụng trong phòng hộ giá (Hedging)
Hợp đồng tương lai được sử dụng để phòng hộ giá như thế nào?
Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận hợp pháp, được tiêu chuẩn hóa để mua hoặc bán một tài sản ở một mức giá, tại một thời điểm xác định trước trong tương lai. Vào ngày quy định này, người mua phải mua tài sản và người bán phải bán tài sản cơ sở theo giá đã thỏa thuận, bất kể giá thị trường hiện tại vào ngày đáo hạn của hợp đồng. Tài sản cơ sở cho hợp đồng tương lai có thể là hàng hóa - chẳng hạn như lúa mì, dầu thô, khí đốt tự nhiên và ngô - hoặc các công cụ tài chính khác. Hợp đồng tương lai đôi khi được các công ty và nhà đầu tư sử dụng như một chiến lược phòng ngừa rủi ro.
Một số công ty là nhà sản xuất hoặc tiêu thụ hàng hóa sử dụng hợp đồng tương lai để giảm rủi ro xảy ra biến động giá bất lợi của tài sản cơ sở - thường là hàng hóa - sẽ dẫn đến việc công ty phải đối mặt với các khoản chi phí hoặc thua lỗ không mong muốn trong tương lai.
Khi nhà đầu tư sử dụng hợp đồng tương lai như một phần của chiến lược phòng ngừa rủi ro, mục tiêu của họ là giảm khả năng bị thua lỗ do sự thay đổi bất lợi về giá trị thị trường của tài sản cơ sở. Nếu chứng khoán hoặc các công cụ tài chính thường xuyên biến động mạnh, nhà đầu tư có nhiều khả năng mua hợp đồng tương lai hơn.
Sử dụng hợp đồng tương lai để phòng hộ
Khi các công ty đầu tư vào thị trường kỳ hạn, thường là do họ đang cố gắng chốt ở mức giá có lợi hơn trước khi thực hiện một giao dịch. Nếu một công ty biết rằng họ phải mua một mặt hàng cụ thể trong tương lai, họ có thể quyết định đặt một vị thế Long hợp đồng tương lai. Đặt vị thế Long là việc bạn mua cổ phiếu, hàng hóa hoặc tiền tệ với kỳ vọng rằng nó sẽ tăng giá trị trong tương lai.
Ví dụ, giả sử rằng Công ty X biết rằng trong 6 tháng, công ty phải mua 20,000 ounce bạc để hoàn thành một đơn đặt hàng. Giả sử giá thị trường hiện tại của bạc là $12/ounce và giá của hợp đồng tương lai 6 tháng là $11/ounce. Bằng cách mua hợp đồng tương lai, Công ty X có thể đảm bảo mức giá là $11/oz. Điều này làm giảm rủi ro của công ty vì họ sẽ có thể đóng vị thế giao sau và mua 20,000 ounce bạc với giá 11 đô la một ounce trong 6 tháng vào ngày hợp đồng hết hạn.
Nếu Công ty X không mua hợp đồng tương lai sáu tháng – và giá bạc cuối cùng tăng từ $12 lên $14 một ounce sau 1 tháng - công ty sẽ buộc phải mua 20,000 ounce bạc với giá 14 USD mỗi ounce. Điều này sẽ dẫn đến chi phí lớn hơn cho công ty.
Mặt khác, nếu một công ty biết rằng họ sẽ bán một mặt hàng cụ thể trong tương lai, họ có thể quyết định đặt vị thế Short hợp đồng tương lai. Đặt vị thế Short là việc mua cổ phiếu, hàng hóa hoặc tiền tệ với kỳ vọng rằng nó sẽ giảm giá trị trong tương lai.
Ví dụ, Công ty X có thể đồng ý với một hợp đồng pháp lý buộc họ phải bán 20,000 ounce bạc vào 6 tháng sau nếu giá thị trường hiện tại của bạc là $12 và giá giao sau là $11/oz. Khi Công ty X đóng vị thế trong sáu tháng, họ sẽ có thể bán lượng bạc của mình với giá $11/oz.
Nếu Công ty X không đưa ra quyết định đặt vị thế này trong một hợp đồng tương lai, và giá bạc trên thị trường bất ngờ giảm xuống $10, thì công ty sẽ buộc phải bán mỗi ounce bạc của mình với giá $10/ounce (so với bán mỗi một ounce bạc ở mức $11). Trong tình huống này, công ty đã giảm nguy cơ bị thiệt hại về tài chính do giá bạc trên thị trường giảm mạnh.
Ưu điểm chính cho các nhà đầu tư muốn tham gia vào hợp đồng tương lai là nó loại bỏ sự không chắc chắn về giá tương lai của hàng hóa, chứng khoán hoặc công cụ tài chính. Bằng cách chốt mức giá mà bạn được đảm bảo có thể mua hoặc bán một tài sản cụ thể, các công ty có thể loại bỏ rủi ro về bất kỳ khoản chi phí hoặc tổn thất không mong muốn nào.